Quá trình đô thị hoá làm cho các đô thị ở Việt Nam càng ngày càng mở rộng, các vùng đất xanh bị xâm chiếm, tác động tiêu cực lên hệ sinh thái và môi trường. Vùng đô thị mới không những không cải thiện những vấn đề đang tồn tại nhưng mà càng làm cho môi trường đô thị trở nên tồi tệ hơn. Nghiên cứu về thiết kế và quy hoạch nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp cho không gian xanh trong đô thị là cần thiết và cấp bách. Lấy Đà Nẵng làm một trường hợp cụ thể, bài viết này đề xuất quy hoạch hệ thống không gian xanh đô thị đa trung tâm dựa trên các quy tắc sinh thái cảnh quan nhằm hướng đến một hệ sinh thái đô thị bền vững.

1. Các vấn đề của đô thị hoá

Đô thị hoá đã thay đổi bộ mặt của đô thị và mang đến nhiều lợi ích khác nhau, tuy nhiên, tiến trình này được cho là nguyên nhân của sự tàn phá môi trường sống của con người và sinh vật, đặc biệt là sự chuyển đổi diện tích đất nông thôn thành đô thị. Điều này tạo nên những tác động đáng kể đến chức năng tự nhiên của hệ sinh thái (Turner 1994, Dewan and Yamaguchi 2009). Sau những năm 1980, chính sách “Mở cửa” đã được thực hiện, các đô thị ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ dẫn đến những vấn đề về môi trường mà nguyên nhân chính là sự thiếu hụt không gian xanh ở vùng đô thị (Pham 2002). Đà Nẵng là một thành phố trẻ với tiềm năng phát triển lớn trong những năm gần đây. Dựa vào quy hoạch định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, đất phân bổ cho nông nghiệp như đất canh tác, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ sẽ giảm sút vì sự chuyển dịch thành đất phi nông nghiệp, phát triển hạ tầng. Theo đó, đất xây dựng đô thị trung tâm sẽ tăng lên 280% vào năm 2020, 528% vào năm 2030 so với năm 2005. Mức độ xây dựng ở vùng ngoại ô, so với năm 2005, sẽ là bằng chứng cho một sự gia tăng 200% vào năm 2020 và 300% vào năm 2030 (Do, Huang et al. 2018). Trong bối cảnh đô thị dàn trải mạnh mẽ, quy hoạch cảnh quan không gian xanh phù hợp có một ý nghĩa rất quan trọng.

2. Lý luận cảnh quan sinh thái học trong các vấn đề đô thị hoá

Lý thuyết sinh thái cảnh quan đã đóng góp kiến thức quan trọng cho tiếp cận khoa học xã hội, nhắm đến hướng dẫn sự phát triển bền vững của đô thị trong bối cảnh mở rộng đô thị với mật độ cao (Grimm, Faeth et al. 2008), (Wu 2008). Sinh thái học cảnh quan cung cấp những phương pháp và tiếp cận để tìm hiểu các năng lượng tiềm ẩn của không gian xanh đô thị. Mối quan hệ tích cực giữa độ phong phú chủng loài và kích thước mảng đề xuất lý thuyết cụm về địa sinh vật là một hướng phù hợp cho việc nghiên cứu sinh thái học cảnh quan đô thị (Klausnitzer 1993).

Nghiên cứu cấu trúc không gian cảnh quan và kiểu mẫu không gian xanh được biết đến như một giải pháp quan trọng để đánh giá chất lượng của vùng đô thị. Các cấu trúc cảnh quan được đánh giá trong một đơn vị của mảng thông qua những đặc tính như là kích cỡ, hình dáng, độ hỗn tạp, và đường biên (Forman and Godron 1986). Thông qua những đặc tính này, một bộ quy tắc được sử dụng để đánh giá bố cục và phân bố không gian cảnh quan (được gọi là luật học cảnh quan). Bộ luật này thường dùng trong việc biểu thị đặc tính, đánh giá và dự trắc những biến dị trong cấu trúc cảnh quan. Không gian xanh đô thị là một tiêu chuẩn quan trọng cho việc đánh giá chất lượng cuộc sống đô thị (Huang, Yang et al. 2017). Không gian xanh xúc tiến các hoạt động vật lý, cảm giác hạnh phúc, và sức khoẻ cộng đồng (Wolch, Byrne et al. 2014). Trong bối cảnh này, luật học cảnh quan là một công cụ hữu ích cho việc đánh giá kiểu mẫu không gian không gian xanh (Kong, Nobukazu et al. 2005). Bộ luật này cũng hỗ trợ đánh giá sự thoả mãn của người dân với cấu trúc không gian xanh (He and Morin 2012).

Lý luận về tập hợp quần chủng cung cấp một khung mẫu hứa hẹn cho nghiên cứu sinh thái đô thị. Thực vật xanh rải rác trong đô thị đóng một vai trò trung tâm trong lý thuyết tập hợp quần chủng. Quy mô của thực vật và sự kết nối của nó là một nhân tố quan trọng trong việc tạo ra sự đa dạng chủng loài trong cảnh quan đô thị. Lý thuyết của sinh thái học cảnh quan có thể cung cấp những quy tắc hướng dẫn cho quy hoạch và quản lý đô thị, cụ thể là tính kết nối giữa các không gian xanh, yếu tố có thể cải thiện, tạo ra những hành lang các lưu dòng, các lối xanh. Các lối xanh được áp dụng như một hành lang cho các lưu dòng trong vùng đô thị, nơi đó giúp gia cố kết nối giữa các vùng đô thị và là liên kết giữa công viên, vườn công cộng ở tỉ lệ khu ở (Tan 2006).

Bảng 1. Danh sách của những chỉ số được sử dụng trong phân tích này

3. Các quy tắc của sinh thái học cảnh quan

Những quy tắc cảnh quan và hệ sinh thái vùng có thể áp dụng vào bất kỳ một khảm đất nào. Hệ thống này giống như một sinh vật, nó có 3 đặc tính phổ quát đó là cấu trúc, chức năng và sự thay đổi.
Cấu trúc cảnh quan là một kiểu mẫu không gian, một tổ chức của các yếu tố cảnh quan. Chức năng là các lưu dòng của động, thực vật, vật chất và năng lượng xuyên suốt qua các cấu trúc. Và cuối cùng, sự thay đổi là các động lực hoặc nguồn năng lượng thay thế ở kiểu mẫu không gian và chức năng qua thời gian.

Kiểu mẫu cấu trúc của cảnh quan bao gồm 3 yếu tố: Mảng, hành lang và ma trận, được coi là chìa khoá cho quy hoạch sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan và thậm chí kiểm soát bao phủ cả các lưu dòng sinh vật và sự thay đổi.

Do đó, áp dụng những quy tắc này (cảnh quan và vùng, mảng và hành lang); khảm đất có thể được xây dựng và kết hợp những không gian xanh khác nhau thành một hệ thống không gian xanh để tạo dựng môi trường bền vững cho vùng đô thị.

4. Phương pháp phân tích

Đầu tiên, một phân tích định tính được thực hiện dựa trên những hình ảnh, bản đồ quy hoạch cũ, bản quy hoạch tổng thể, và hiện trạng của Đà Nẵng. Tiếp theo, một phân tích định lượng hệ thống không gian xanh được thực hiện để đánh giá các đặc tính của kiểu mẫu cảnh quan sử dụng đất, một bộ luật học không gian được tính toán ở cấp độ cảnh quan (Bảng 1).

5. Đề xuất quy hoạch hệ thống không gian xanh toàn diện

Hình 1: Ranh giới và vùng che phủ của lục thuỳ đề xuất cho vùng đô thị Đà Nẵng
Hình 2. Cấu trúc của những nhánh hẹp đô thị trong tương lai cho đô thị Đà Nẵng

(i) Thuỳ xanh

Các thuỳ xanh được tận dụng từ các vùng biên được rừng che phủ, nơi kết nối với vùng đô thị (hình 1). Các thuỳ xanh của đô thị chủ yếu xuất hiện ở phía Tây và phía Bắc, điểm giao thoa giữa chân của dãy Trường Sơn, đèo Hải Vân, Bà Nà với vùng đô thị; Phía Tây có Sơn Trà – một thuỳ xanh lớn như một vùng bảo tồn sinh thái và hấp dẫn du lịch.

Tính kết nối của các thuỳ xanh dựa vào tất cả những yếu tố làm nên hệ thống ma trận xanh trong vùng ngoại ô. Thuỳ xanh giới hạn sự nới rộng đô thị và sự phát triển dọc theo các đường vành đai cắt ngang các thùy xanh. Phát triển các thuỳ xanh này có thể được coi như một sự bảo vệ đặc biệt để tránh sự lan rộng của đô thị.

(ii) Các nhánh hẹp của đô thị

Đà Nẵng nằm ở vùng duyên hải với bề ngang hạn chế, do vậy sự lựa chọn cho việc phát triển đô thị gặp nhiều giới hạn. Trong đó, sự mở rộng đô thị về phía Tây và phía Nam sẽ đánh mất sự kết nối giữa vùng đô thị và thuỳ xanh; đồng thời, sự tương tác của các mảng xanh giữa các vùng ven biển và ven sông cũng sẽ bị giảm sút. Với sự sinh trưởng và lan toả của vùng đô thị, các nhánh hẹp của đô thị đã xâm chiếm các không gian xanh của vùng ngoại ô. Trong quy hoạch tương lai của Đà Nẵng, các nhánh hẹp này đã mở rộng đáng kể đô thị hướng về phía Tây Bắc, Phía Tây, phía Nam và phía Tây Nam (Hình 2).

(iii) Hệ thống không gian xanh

Hệ thống không gian xanh được thiết lập dựa trên những đặc điểm về văn hoá, bối cảnh đô thị, địa hình, địa mạo, và những vùng bảo tồn chính (Hình 3).

Hình 3. Những lối xanh được đề xuất cho Đà Nẵng

– Lối xanh vòng quanh sân bay: Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, nơi có mật độ dân số cao nên sân bay này gây ra nhiều bất ổn và hạn chế cho các khu vực dân cư xung quanh; có thể kể đến những bất lợi nghiêm trọng, đó là: Mức độ ô nhiễm tiếng ồn cao, hạn chế đáng kể về mặt xây dựng. Do đó cần thiết phải đề xuất xây dựng những lối xanh, vành đai xung quanh đường biên của sân bay để cải thiện điều kiện vi khí hậu, giảm tiếng ồn cho những khu vực dân cư lân cận. Giải pháp đưa ra là: Những dải đất hẹp quy mô 1-2 dãy nhà tiếp xúc trực tiếp với tường chắn sân bay ở đường Trường Chinh và Lê Đại Hành cần phải di dời và chuyển đổi thành những không gian mở hoặc các công viên nhỏ (hình 3-2).

– Ban công xanh đô thị: Có thể nói sông Hàn như là một ban công lớn của Đà Nẵng. Tuy nhiên, với sự khuyến khích đầu tư phát triển tại các khu vực ven sông, các công trình lớn, công trình mang tính biểu tượng được xây dựng và đang xâm chiếm không gian mở này, che khuất tầm nhìn, mất đi sự thông thoáng, đồng thời phá vỡ không gian tự nhiên của đô thị này.

 

Hình 4. Những kiểu mẫu của những vành đai ven biển kết hợp với lối xanh và công viên ven biển
Hình 5. Mặt cắt điển hình của hành lang ven biển kết hợp với công viên tuyến tính và lối xanh

Ban công xanh nhằm mục đích nới rộng thêm các không gian mở giữa các vùng đô thị. Thêm vào đó, các lối xanh trong đô thị hướng về phía hành lang sông sẽ mang đến cảm giác tích cực cho con người, làm cho họ tiến gần hơn đến mặt nước. Trong hình 3-4, sự sắp xếp các lớp cây xanh ven sông giúp che nắng và hình thành những không gian riêng tư cũng như chống lại gió lạnh vào mùa Đông, nhưng lại không che chắn tầm nhìn của người sử dụng. Sự giao cắt của người đi bộ với giao thông mật độ cao nên tách rời bằng những lối đi bộ ngầm hoặc cầu vượt ở các vị trí giao nhau. Những trung tâm mua sắm, công trình xây dựng ở bờ Tây và Đông nên được đề xuất cho việc phát triển các không gian mở với cây xanh ở những vùng phụ cận thay vì những không gian chồng lấn, xâm chiếm và lấy đất công cộng cho những lợi ích cá nhân.

Dựa trên quan điểm này, ban công xanh và lối xanh sẽ hình thành nên một cấu trúc xương sống cho lối đi bộ trong thành phố. Minh chứng rõ nét là kinh nghiệm tổ chức không gian mở ven sông đã được thực thi thành công ở Singapore, Hongkong, Trung Quốc và Nhật Bản.

Yếu tố thẩm mỹ trong việc lựa chọn loại cây xanh cũng cần được chú ý. Các loại cây xanh che bóng mát như là Samanea saman, Peltophorum pterocarpum, Hopea odorata, Mimusops elengi, and Khaya senegalensisare là những loại cây nên được trồng để tăng cường bóng mát cũng như trở thành một biểu tượng cho đô thị. Việc chọn loại cây xanh theo quan điểm thẩm mỹ là rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu phát triển thành phố du lịch và dịch vụ của Đà Nẵng.

– Vành đai xanh ven biển: Vành đai xanh ven biển kéo dài dọc theo phía Đông của đô thị được chia thành 2 phần: Phần đầu bao quanh Vịnh Đà Nẵng, phần còn lại bắt đầu từ bán đảo Sơn Trà kéo dài đến hết vùng biên phía Nam.

Ở ven vịnh Đà Nẵng, cần quy hoạch, xây dựng một hệ thống công viên dài với đường đi dạo chạy dọc theo bờ biển (Hình 3-5,6). Những dải cây xanh che chắn nên được tổ chức với một góc lệch so với đường bờ biển để tạo nên một lớp chắn gió, nhưng không che chắn tầm nhìn (Hình 4b). Ở các vùng ven biển phía Bắc, do mật độ dân cư và người sử dụng thấp, các vành đai cây xanh có thể được sắp xếp thành những dải liên tục, kết hợp với những lối hẹp kết nối bãi biển với các hành lang bên ngoài vành đai để phục vụ cho các hoạt động thể thao giải trí vào mùa nắng; về mùa mưa các dải xanh này sẽ làm nhiệm vụ che chắn, hỗ trợ và phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt vui chơi, giải trí ở hệ thống công viên phía bên trong vành đai (Hình 4a).
Vành đai xanh ở bờ biển phía Đông được che chắn một phần bởi các khu resort được xây dựng ở cuối tuyến đường về phía Nam. Lối xanh kéo dài từ trung tâm đô thị xuyên qua hành lang sông và được kết nối với vành đai này thông qua những điểm kết nối (Hình 3,4,5,6). Với đặc trưng về địa hình cũng như bờ biển dài và độ dốc thoải, khoảng cách giữa đường giao thông đến mép nước khoảng hơn 300 mét (vùng đệm trung tâm); trong đó, các công viên ven biển và quảng trường hiện tại phục vụ cho các lễ hội biển vào mùa hè được phủ xanh với mức độ rất khiêm tốn. Các lối đi bộ và quảng trường cần được bố trí bên ngoài và bên trong các dải cây xanh tương ứng để phục vụ cho các hoạt động công cộng và đồng thời chúng cũng nên được bố trí xen kẽ với các vành đai xanh (Hình 5). Mô hình trên đã được chứng minh thành công trong trường hợp thành phố Chicago – Mỹ, các vành đai xanh đã làm tốt nhiệm vụ che chắn cho đô thị khỏi những tác động từ biển hồ Michigan.

(iv)Hành lang sông ngòi

Một phần của sông Hàn chảy qua trung tâm đô thị, những phần khác nằm ở các đô thị vệ tinh với mật độ dân số và xây dựng thấp hơn. Cùng với hiện trạng và định hướng quy hoạch tầm nhìn 2030-2050, khu vực thượng lưu của sông Hàn, dọc theo 3 nhánh sông Đô Toả, Cẩm Lệ, Cổ Cò chảy qua các vùng đô thị mới với địa hình trũng và đất ngập nước, đã được san lấp để cung cấp đất cho vùng đô thị mới, các khu dân cư và khu công cộng. Sự kết hợp giữa sinh thái đất ngập nước và không gian xanh như một tổng thể hình thành những kiểu mẫu không gian và sinh thái đa dạng; các bờ dốc ven sông có thể được quy hoạch thành các công viên ven sông nơi mà các không gian mở có thể được tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng bởi dân cư trong khu vực hay các khu vực lân cận (Hình 3-3).

(v) Không gian xanh tăng cường

Các không gian xanh đề cập trên đã tạo nên cấu trúc chính của hệ thống không gian xanh đô thị. Do đó, tăng cường không gian xanh là cần thiết để kết nối các tuyến chính trong hạ tầng xanh của Đà Nẵng. Một đề xuất đáng chú ý là có thể tái sử dụng hệ thống đường sắt cũ để cải thiện chức năng giao thông công cộng còn thiếu, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho tuyến du lịch nội bộ với những hành lang xanh bao bọc nhằm nâng cao giá trị du lịch của thành phố này.

Thêm nữa, các quy định về không gian xanh trong khu ở, và nhà dân dụng giúp tạo nên các ma trận xanh rải rác trong toàn thể đô thị.

6. Kết luận

Cảnh quan sinh thái đô thị là một lĩnh vực nghiên cứu khá mới với các nhà nghiên cứu và quy hoạch đô thị Việt Nam. Do đó, rất cần những nghiên cứu cẩn thận và tỉ mỉ. Dựa trên những hiểu biết của tác giả về tình hình thực tế và bối cảnh đô thị Đà Nẵng, cùng với việc tìm hiểu về quy hoạch không gian đô thị tổng thể định hướng 2030 đến 2050, kết hợp với những ý kiến qua trao đổi chuyên môn với các nhà quy hoạch đô thị, một số lỗ hổng cơ bản được tìm thấy, chúng liên quan đến lý thuyết quy hoạch cảnh quan ở ba tỉ lệ khác nhau gồm vùng đô thị, trung tâm đô thị, và khu dân cư. Do sự kết nối giữa các phần trong đô thị mới và cũ khá phức tạp, giải pháp đưa ra là cần phải tiếp cận và xanh hóa đô thị dần theo từng giai đoạn trên nguyên tắc tổng thể, và phù hợp với bối cảnh đô thị và quy hoạch định hướng của Đà Nẵng.

Hình 6. Kiểu mẫu vành đai ven biển kết hợp với công viên, quảng trường và vùng đệm để kết nối với lối xanh phía bên trong

Ý tưởng đề xuất nhằm xây dựng một hệ thống không gian xanh hướng đến làm thoả mãn các nhu cầu cấp bách của đô thị, tăng cường tỉ lệ che phủ cây xanh đô thị một cách khoa học và hợp lý. Áp dụng bộ luật học cảnh quan vào việc phân tích hệ thống không gian, đã mô tả những đặc tính của cảnh quan như sự phân bố không gian, diện tích, mật độ, và hình dạng. Ứng dụng các quy tắc sinh thái học cảnh quan, bài viết đã đề xuất những giải pháp cải thiện hệ thống không gian xanh như sau: (1) Ở cấp độ vùng, xác lập những hành lang bảo tồn các vùng ngoại ô khỏi sự xâm lấn của đô thị hoá; (2) Ở cấp độ trung tâm đô thị, thiết lập các hệ thống không gian xanh cho toàn bộ đô thị nhằm giải quyết những vấn đề môi trường tránh khỏi những tác động của biến đổi khí hậu. Trong sự tương quan giữa cấu trúc đô thị và không gian xanh được xây dựng, không gian xanh này đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi giải trí trong giới hạn cho phép của môi trường đô thị và cung cấp một môi trường sống có thể cho các loài sinh vật trong môi trường bán tự nhiên; (3) Ở góc độ cảnh quan khu dân cư, quan tâm đến những không gian xanh cụ thể và chi tiết hơn (như những ma trận xanh tác động sâu vào cấu trúc đô thị nhằm tương tác đến từng thực thể trong đô thị), mang lại cảm giác chạm vào thiên nhiên qua cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của con người. Những nhân tố tạo nên hệ thống không gian xanh được phân chia thành những tầng bậc đa chiều nhằm cực đại hóa ma trận xanh đem lại lợi ích cho môi trường sống. Sự lựa chọn về cấu trúc, tầng bậc bao gồm hành lang xanh che chắn và bảo vệ đô thị khỏi tác động của môi trường biển. Đồng thời, đây cũng là vùng liên kết cho bốn lối xanh kết nối từ nội thị ra bên ngoài vùng biển phía Tây, xuyên qua hai hành lang sông ngòi chạy dọc đôi bờ sông Hàn. Hai lối xanh che chắn cho tuyến lưu thông cơ giới từ cảng Tiên Sa ra bên ngoài đô thị và tuyến đường sắt quốc gia đi băng qua đô thị phía Tây. Một tuyến đường xanh vòng quanh sân bay nhằm giải quyết những vấn đề ô nhiễm tiếng ồn đô thị và mỹ quan. Tất cả kết nối với nhau và cùng với những công viên đã tồn tại cũng như đang quy hoạch nhằm tạo ra một hệ thống chặt chẽ để mở ra một không gian đô thị chất lượng cao.

*Đỗ Duy Thịnh
Phòng nghiên cứu không gian đô thị  (LURSpace) – VEBS

Khoa Xây Dựng – Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Tp HCM

 

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2019)

––––––––––––––––––––––––––––––––––
Tài liệu tham khảo

  • Aguilera, F., L. M. Valenzuela and A. Botequilha-Leitão (2011). “Landscape metrics in the analysis of urban land use patterns: A case study in a Spanish metropolitan area.” Landscape and Urban Planning 99(3-4): 226-238.
  • Dewan, A. M. and Y. Yamaguchi (2009). “Land use and land cover change in Greater Dhaka, Bangladesh: Using remote sensing to promote sustainable urbanization.” Applied Geography 29(3): 390-401.
  • Do, D., J. Huang, Y. Cheng and T. Truong (2018). “Da Nang Green Space System Planning: An Ecology Landscape Approach.” Sustainability 10(10): 3506.
  • Dramstad, W., J. D. Olson and R. T. Forman (1996). Landscape ecology principles in landscape architecture and land-use planning, Island press.
  • Forman, R. T. and M. Godron (1986). “Landscape ecology. 619 pp.” Jhon Wiley & Sons, New York.
  • Ghosh, A., M. Munshi, G. Areendran and P. Joshi (2012). “Pattern space analysis of landscape metrics for detecting changes in forests of Himalayan foothills.” Asian Journal of Geoinformatics 12(1).
  • Goldstein, E. L., M. Gross and R. M. DeGraaf (1983). “Wildlife and greenspace planning in medium-scale residential developments.” Urban Ecology 7(3): 201-214.
  • Grimm, N., S. Faeth, N. Golubiewski, C. Redman, J. Wu, X. Bai and J. Briggs (2008). “Global change and the ecology of cities. Science 319: 756760Groffman PM, Boulware NJ, Zipperer WC, Pouyat RV, Band LE,
  • Colosimo MF (2002) Soil nitrogen cycle processes in urban riparian zones.” Environ Sci Technol 36: 45474552Groffman.
  • Gyenizse, P., Z. Bognár, S. Czigány and T. Elekes (2014). “Landscape shape index, as a potential indicator of urban development in Hungary.” Acta Geographica Debrecina. Landscape & Environment Series 8(2): 78.
  • He, D. C. and D. Morin (2012). “Relationship Between the Landscape Structure of Urban Green Spaces and Residents’ Satisfaction: The Case of a Central District in Hanoi (Vietnam).” Asian Journal of Geoinformatics 12(1).
  • Huang, C., J. Yang, H. Lu, H. Huang and L. Yu (2017). “Green Spaces as an Indicator of Urban Health:
  • Evaluating Its Changes in 28 Mega-Cities.” Remote Sensing 9(12): 1266.
  • Klausnitzer, B. (1993). Ökologie der Großstadtfauna, G. Fischer.
  • Kong, F.-h., N. Nobukazu, H.-w. Yin and K. Akira (2005). “Spatial gradient analysis of urban green spaces combined with landscape metrics in Jinan city of China.” Chinese Geographical Science 15(3): 254-261.
  • Pham, N. D. a. P., Hai Ha (2002). Notes on ecological urban development in Vietnam. Vietnam Architecture Magazine. Ha Noi.
  • Tan, K. W. (2006). “A greenway network for singapore.” Landscape and Urban Planning 76(1-4): 45-66.
  • Tlapáková, L., D. Stejskalová, P. Karásek and J. Podhrázská (2013). “Landscape metrics as a tool for evaluation landscape structure–Case Study Hustopeče.” European countryside 5(1): 52-70.
  • Turner, B. (1994). “Local faces, global flows: the role of land use and land cover in global environmental change.” Land Degradation & Development 5(2): 71-78.
  • Wolch, J. R., J. Byrne and J. P. Newell (2014). “Urban green space, public health, and environmental justice:
  • The challenge of making cities ‘just green enough’.” Landscape and urban planning 125: 234-244.
  • Wu, J. J. (2008). “Making the case for landscape ecology an effective approach to urban sustainability.”
  • Landscape journal 27(1): 41-50.